Điều trị thành công bệnh hiếm gặp (hội chứng động mạch mạc treo tràng trên) bằng phẫu thuật tại BV Phúc Hưng

Bệnh viện Phúc Hưng vừa qua đã chẩn đoán và phẫu thuật thành công một trường hợp, bệnh nhân Nguyễn Tấn B, 59 tuổi, mắc bệnh hiếm gặp - hội chứng động mạch mạc treo tràng trên.

Bênh nhân vào Khoa cấp cứu của bệnh viện Phúc Hưng vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 02/06/2023 với biểu hiện trước đó một ngày là đau bụng kèm buồn nôn và nôn nhiều, bụng chướng nhiều. Khai thác bệnh sử bệnh nhân khoảng 3 năm nay ăn uống kém, ăn nhanh no, sau ăn cảm giác đau tức bụng, thỉnh thoảng buồn nôn và nôn ra thức ăn. Bệnh nhân đi khám nhiều lần ở nhiều bệnh viện chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và được điều trị thuốc nhưng bệnh không giảm bệnh. Trong 2 tháng nay thường xuyên đau bụng, bụng chướng  và nôn nhiều hơn, giảm 4kg trong 2 tháng. Lúc vào viện, bệnh nhân suy mòn, khám bụng chướng căng, nôn ra thức ăn ức động lâu có mùi hôi. Bệnh nhân đã được chẩn đoán ban đầu là tắc ruột non, tiến hành chụp CTscanner có tiêm thuốc cản quang phát hiện đoạn tá tràng D3 bị hẹp dạ dày giãn lớn, góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng, khoảng 17,5 độ (bình thường là 38 - 56 độ) ̊, khoảng cách giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ khoảng 6,7mm (bình thường 10-20mm).

Kết quả trên cộng với các biểu hiện lâm sàng phù hợp với bệnh lý hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Bệnh nhân được hội chẩn quyết định phẫu thuật., được thực hiện bởi ê kíp phẫu thuật gồm các BS Ngoại Tổng do BS. CKII. Đào Văn Minh làm trưởng ê kíp.Phương pháp phẫu thuật nối tá tràng và hỗng tràng. Cuộc phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, hậu phẫu bệnh nhân hồi phục nhanh, bệnh nhân đã ăn uống lại bình thường, không còn chướng bụng, hết nôn, hết đau bụng sau ăn và được xuất viện ngày thứ 7 sau phẫu thuật.

Theo CKII. Đào Văn Minh trưởng khoa ngoại Tổng hợp: Bệnh lý hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (Superior mesenteric artery syndrome SMA ) là một trong những bệnh  lý  hiếm gặp và khó chẩn đoán. Theo tài liệu nghiên cứu của Mỹ, tỉ lệ người mắc bệnh này vào khoảng 0.1% - 0.3% và được mô tả lần đầu tiên vào năm 1861 bởi Carl Freiherr von Rokitanskyngs, nhưng nó vẫn là bệnh lý không xác định cho đến 1927 khi Wilkie lần đầu tiên công bố hàng loạt  bệnh và được biết đến với tên gọi hội chứng Wilkie.

Nguyên nhân phổ biến nhất là giảm góc hình thành bởi động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng, gây chèn ép đoạn DIII của tá tràng. Bình thường động mạch mạc treo tràng trên tạo thành một góc khoảng 45 độ (từ 38 đến 56 độ) với động mạch chủ bụng và đoạn III của tá tràng đi qua gốc của động mạch mạc treo tràng trên, chạy giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ. Bởi vậy, khi góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ khoảng 6 đến 25 độ thì có thể tạo ra một “cái bẫy” kẹp và nén đoạn DIII tá tràng, dẫn đến hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Khoảng cách giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên ngắn lại, khoảng cách bình thường là từ 10 đến 20mm, trong khi ở hội chứng SMA nó được giảm xuống 2 đến 8mm

 Những biểu hiện bệnh nhân mắc hội chứng này rất đa dạng và không đặc hiệu bao gồm cảm giác no sớm, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng  ngay sau khi ăn (do tá tràng bị đè nén và tá tràng phải tăng nhu động để đền bù), chướng bụng hay bụng biến dạng, ợ hơi, đau bụng, và đi kèm với suy dinh dưỡng nặng. Điều này cứ diễn ra lần lượt như thế, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Chán ăn là một tình trạng phổ biến ở các bệnh nhân bị hội chứng động mạch mạc treo tràng trên mạn tính, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: Viêm tụy, viêm loét dạ dày, khó tiêu chức năng… Mức độ nặng của các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ chèn ép do gập góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ bụng. . Hậu quả bệnh nhân suy dinh dưỡng dần dần, rối loạn nước và điện giải nặng có thể tử vong.

Để phát hiện bệnh sớm và chính xác, người bệnh cần khám bệnh khi có triệu chứng lâm sàng như trên, cần chụp CT đa lát cắt có tiêm thuốc cản quang để chấn đoán xác định. Bệnh viện Phúc Hưng có đầy đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ Y Bác sĩ giàu kinh nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh này.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác Sĩ CK.II Đào Văn Minh

 Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tư Nhân Phúc Hưng