Amidan bảo vệ hệ hô hấp: vừa giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus, nấm, gây tổn thương đến hệ hô hấp vừa sản sinh miễn dịch cho cơ thể.
Tuy nhiên, vì là lớp chắn đầu tiên nên bộ phận này thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và virus.
1.Nguyên nhân:
Những yếu tố như sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ô nhiễm môi trường, khói bụi độc hại; người bệnh có tiền sử mắc các bệnh viêm VA, viêm xoang, viêm răng… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
Theo đó, một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng amidan bị viêm là:
-Đã từng mắc các bệnh đường hô hấp hay các bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi…
-Vệ sinh khoang miệng không sạch sẽ
-Có dị tật ở cổ họng hay amidan
-Môi trường ô nhiễm (khói bụi, vệ sinh không kỹ…)
-Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hoặc sản phẩm đông lạnh (như kem, đá…)
-Thời tiết thay đổi đột ngột
2.Triệu chứng
Viêm amidan cấp tính thường gặp ở người bệnh từ 3-4 tuổi trở lên với các triệu chứng của amidan khẩu cái bị xung huyết (màu đỏ và sưng lên) và tiết nhiều dịch, đây là triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu của viêm nhiễm. Ngoài ra, còn có thể có thêm các triệu chứng khác như sốt, amidan có các đốm màu trắng hoặc vàng, nổi hạch bạch huyết tại cổ và hàm, đau tai và nhức đầu.
Viêm amidan mãn tính có triệu chứng không điển hình. Đây là tình trạng viêm tái lại nhiều lần với các triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính, nhưng có thêm những dấu hiệu như sau:
-Người bệnh có hơi thở hôi, mặc dù đã được vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đều đặn nhưng hơi thở vẫn có mùi khó chịu.
-Bệnh xảy ra trên nền thể trạng kém, gầy yếu và có thể sốt về chiều.
-Khi nuốt có cảm giác vướng ở cổ họng.
-Ho khan từng cơn, đặc biệt ho kéo dài khi ngủ dậy vào buổi sáng.
-Do ho nhiều nên gây ra rát họng và giọng nói của người bệnh thay đổi.
Đối với trẻ nhỏ có một số các triệu chứng khác như quấy khóc, chảy nước dãi do tăng tiết dịch, chán ăn, thở khò khè và nghe thấy tiếng ngáy khi ngủ. Thậm chí, một số trường hợp viêm amidan sưng to đến nỗi gây chẹn họng và khiến người bệnh khó thở.
3. Chẩn đoán:
-Khám bệnh: Bác sĩ sử dụng một loại đèn đặc biệt để soi chiếu trong các khoang của tai, mũi và họng để tìm ra ổ nhiễm khuẩn. Sau đó, bác sĩ khám ở cổ xem người bệnh có bị sưng hạch bạch huyết hay không, nghe tiếng ran phổi và khám vùng lách có bị to không.
-Xét nghiệm: Xét nghiệm máu toàn phần và xét nghiệm dịch tiết được lấy từ họng người bệnh để tìm ra nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn.
4.Điều trị:
-Thuốc kháng sinh sẽ phát huy hiệu quả khi sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp viêm amidan cần điều trị ổ nhiễm khuẩn.Người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị thuốc kháng sinh và tái khám đúng hẹn để đạt được kết quả điều trị cao nhất.
-Phẫu thuật: hay còn gọi là cắt amidan, đây là kỹ thuật phổ biến được khuyến cáo sử dụng khi người bệnh mắc amidan mãn tính hay tái đi tái lại nhiều lần (từ 5 lần/năm đến 6 lần/năm) hoặc với các trường hợp không đáp ứng được với các phương pháp điều trị khác, gây biến chứng nặng nề cho người bệnh (như viêm tai mũi họng, viêm khớp, viêm cầu thận, khó thở, khó nuốt và khó nói...).
*CHĂM SÓC THEO DÕI CHẢY MÁU SAU MỔ:
-Nên: Nằm nghiêng sang 1 bên, không gối hoặc gối thấp, liên tục lùa nước bọt ra khăn giấy đến khi nước bọt trong.
-Không nên: Tránh ho, khạc mạnh; La hét lớn
LƯU Ý: Nếu nhả ra máu đỏ tươi -> báo ngay cho NVYT.
*DINH DƯỠNG SAU MỔ:
-Nên:
+Uống sữa lạnh, màu trắng sau 2 giờ
+Ăn cháo xay nhuyễn, súp, trong 2 ngày đầu
+Ngày thứ 3 đến ngày 7 ăn mềm nguội
+Ngày thứ 8 có thể ăn cơm mềm
-Không nên: Ăn chua, cay, ăn nóng, cứng, rượu bia trong những tuần đầu
LƯU Ý: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và nước uống để giúp vết thương mau lành.
*VẬN ĐỘNG SAU MỔ:
-Nên vận động, sinh hoạt tại giường trong ngày đầu
-Luôn có người nhà bên cạnh
-Kéo cao thanh chắn giường
-Sau đó có thể vận động đi lại nhẹ nhàng
*DẶN DÒ XUẤT VIỆN:
-Uống thuốc theo toa
-Vận động thể lực nhẹ nhàng, không làm việc gắng sức
-Không nên đi máy bay trong khoảng 1 tuần sau mổ
-Tái khám đúng hẹn
LƯU Ý: Khi xuất hiện các dấu hiệu sau thì đi khám ngay ở cơ sở y tế gần nhất hoặc quay trở lại cơ sở y tế đã phẫu thuật.
• Sốt trên 38 ˚C
• Nhả máu đỏ tươi
• Đau tăng
• Không đáp ứng thuốc giảm đau thông thường
Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng đến Bệnh viện Phúc Hưng để được các Bác Sĩ tư vấn, khám và điều trị.
Hotline: 1900.099.915